Sale 1
Sale 2
Sale 3

Dealer

WEB LINK

“Ông cải tiến” máy nông nghiệp

Tuesday, 16/12/2008, 20:52 GMT+7

Đất Long An nổi tiếng với nghề cơ khí nông thôn, chuyện một nông dân tự làm ra một cái máy cắt lúa hay máy sạ hàng, không còn là điều lạ lẫm nữa. Thế nhưng, bằng con đường riêng của mình, lão nông Út Thạnh (Trần Văn Thạnh) ở ấp 1B, xã Long Hoà, huyện Cần Đước, vẫn khiến cho bà con xa gần phải trầm trồ thán phục với tài nghệ cải tiến những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp của mình.

Cải tiến rồi đi... gặt thuê

Trong xưởng cơ khí của ông Út Thạnh đang lừng lững một cái máy gặt đập liên hợp sơn màu đỏ. Cha con ông Út Thạnh cùng mấy người thợ trẻ đang tất bật xem xét lại những chi tiết vừa cải tiến cho chiếc máy, để nó có thể “làm ăn” được trên nền đất lúa luân canh với đậu phộng ở tỉnh Tây Ninh. Ông Út Thạnh cho biết: “Cái máy này tôi mua ở dưới miền Tây. Dưới đó, sau mỗi kỳ thu hoạch vẫn thấy lúa chét mọc đầy đồng, nghĩa là, máy gặt đập liên hợp thường sử dụng là loại vẫn để rơi vãi lúa. Ở Tây Ninh lại khác, sau một vụ lúa, nông dân thường trồng đậu phộng, nên không thể để lúa chét mọc vung vãi thế được. Vì vậy, máy gặt đập liên hợp dùng ở Tây Ninh phải đảm bảo không để rơi vãi lúa ra ngoài. Tôi đã phải cải tiến lại các chi tiết để phù hợp với yêu cầu trên”.

Cải tiến chính của ông Thạnh đối với cỗ máy gặt đập liên hợp ấy là thêm 1 giàn khoan để lấy lúa lép, lúa lẫn. Sau khi chỉnh sửa xong lần cuối, mấy người thợ của ông Thạnh leo lên cabin, khởi động và cho máy chạy chầm chậm ra ngoài đường. Nhìn cỗ máy, ông Thạnh tỏ vẻ hài lòng. Ngay tối hôm đó, cha con ông cùng mấy người thợ sẽ có chuyến đi xa tới 200 cây số để mang chiếc máy gặt đập này lên huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh. Ở đó, ông Thạnh đã có một hợp đồng gặt lúa trên diện tích lớn, công cán khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Với cái máy này, mỗi ngày có thể gặt được tới 4ha. Ông bảo: “Nếu dân trên đó thấy thích và muốn mua lại nó, tôi sẽ bán liền. Còn nếu không ai mua, thì đi gặt thuê, cũng sống được lắm”.

“Cải lão hoàn đồng”

Ở vùng ĐBSCL, có không ít nông dân vì "bực" với mấy cái máy nông nghiệp tậm tịt trên đồng đất của họ nên đã tự mình cải tiến máy. Và một số đã thành công, trong đó có Út Thạnh. Ông Thạnh bắt đầu cải tiến máy móc nông nghiệp từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Là con nhà nông, am hiểu đồng đất quê nhà, ông biết rõ những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp do các nhà máy trong và ngoài nước sản xuất, đều có khó khăn tại đồng ruộng nơi đây. Thấy những cái máy mua về không sử dụng được, hoặc chỉ dùng được rất hạn chế, đành phải bỏ xó, ông Thạnh xót lắm. Ông quyết định bắt tay vào công việc cải tiến, chỉnh sửa các loại máy cày, máy gặt đập liên hợp và các loại máy móc nông nghiệp cỡ lớn khác.

Vốn từng làm ở nhà máy cơ khí Cần Đước, ông Thạnh cũng có chút vốn liếng về máy móc nông nghiệp. Để học hỏi thêm, ông lân la tới các tiệm sửa chữa nông cụ, hoặc tìm kiếm sách báo về máy móc, mang về nhà xem. Khi đã đủ tự tin, ông lôi cáy mày cày cũ trong nhà ra, sửa sang từng chi tiết một, rồi mang ra thử nghiệm ngay trên đồng ruộng của gia đình. Thấy máy còn chưa “ngon” ở chỗ nào, ông lại “mổ” ra, chỉnh sửa liền. Có những chi tiết, ông chỉ cần chỉnh lại một chút là xong. Nhưng cũng có những chi tiết phải chỉnh đi, sửa lại nhiều lần. Đến khi máy đã cày ngon lành, ông bắt đầu nhận cày thuê cho bà con xóm giềng với giá mềm.

Thấy máy của Út Thạnh chạy ngon quá, mảnh ruộng nào cũng đều cày được hết, nông dân trong vùng truyền tai nhau, người này mách người kia. Kẻ đến thuê máy của Út Thạnh về làm ruộng, người nhờ ông chỉnh sửa, cải tiến lại chiếc máy cày, máy gặt đập mà lâu nay vẫn để không vì không phù hợp với đồng ruộng nơi đây.

Từ đó, Út Thạnh mạnh dạn đi hẳn vào nghề cải tiến máy móc nông nghiệp. Ông lặn lội khắp các tỉnh ĐBSCL, tìm mua những chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp… đã cũ hoặc còn mới nhưng không sử dụng được, về nghiên cứu, chỉnh sửa, thêm thắt những chi tiết cần thiết. Chẳng hạn, thay bánh lồng bằng bánh xích để máy chạy được trên nền đất sình lầy, thay giàn xới dùng dầu bằng dàn xới dùng cơ để tiết kiệm chi phí…

Máy gặt đập liên hợp của Út Thạnh đều gặt sạch lúa, gần như không để rơi vãi trên ruộng. Vì thế, hiện nay, ngày nào xưởng cơ khí của Út Thạnh cũng làm không hết việc. Đã có hơn 100 máy cày, máy gặt đập liên hợp, sau khi qua bàn tay của Út Thạnh, đều chạy ngon lành ở nhiều tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Hiện giờ, Út Thạnh đang tập trung nhiều cho máy gặt đập liên hợp. Bởi theo ông, với tình hình thiếu hụt nhân công thu hoạch như hiện nay, nếu không có máy gặt đập liên hợp, nhiều người sẽ phải bỏ ruộng lúa. Mỗi máy gặt đập liên hợp của Út Thạnh, chỉ cần 3 công lao động đã có thể làm được tới 4ha mỗi ngày. Trong khi đó, nếu dùng máy cắt xếp dãy, mỗi ha cần tới 20 lao động làm cật lực trong một ngày thì mới xong. Chính vì biết nhìn xa như thế, từ nhiều năm nay, Út Thạnh đã không chạy theo phong trào làm máy cắt xếp dãy, mà cứ cặm cụi với máy gặt đập liên hợp phức tạp hơn nhiều.


Written : CAOVIETCUONG.COM (theo: cesti)


Search date :   from   to