Thiết bị đơn giản
Nói về công nghệ này, thạc sĩ Võ Tấn Dũng, thành viên Ban Công nghệ của trung tâm, cho biết: Để thiết lập bảng điện tử ảo thông minh, ngoài máy tính và máy chiếu như bình thường, cần có 2 thiết bị đặc biệt khác. Đó là thiết bị thu tín hiệu của giáo viên có tên gọi là Wii. Thiết bị thứ hai là một cây bút hồng ngoại. Khi giảng bài, giáo viên cầm bút hồng ngoại thao tác như dùng một viên phấn hoặc một cây viết thông thường. Trước khi sử dụng, giáo viên cần xác định vị trí của tấm bảng bằng cách dùng bút hồng ngoại chấm 4 điểm bất kỳ trên mặt phẳng để tạo thành hình chữ nhật có độ rộng tùy ý. Wii sẽ hiểu rằng đó là phạm vi của tấm bảng. Sau đó, giáo viên tiến hành giảng dạy như bình thường với các bài giảng điện tử. Khi cần ghi chú, vẽ hình thì dùng viết hồng ngoại viết, vẽ lên tấm bảng. Khi muốn điều khiển bài giảng điện tử, chỉ cần dùng bút hồng ngoại để chấm hoặc kéo, thả vào các điểm trên bảng, Wii (có chứa camera bên trong) sẽ tiếp nhận các tín hiệu này rồi truyền tới máy tính qua bluetooth. Máy tính nhận được tín hiệu sẽ thi hành các lệnh này. Với các thiết bị này, giáo viên sẽ thao tác trực tiếp trên bảng thay vì phải di chuyển qua lại và dùng chuột cùng bàn phím của máy tính để điều khiển.
Có thể lưu lại bài giảng
Công nghệ này còn giúp biến một tấm bảng trắng thông thường hoặc một mặt phẳng bất kỳ như bức tường, cánh cửa, tấm màn... trở thành một tấm bảng điện tử ảo thông minh đa chức năng. Giáo viên có thể sử dụng các ứng dụng như Power Point, Word, Excel... để giảng dạy tất cả các môn học theo bài giảng đã soạn sẵn. Ngoài ra, giáo viên có thể tác động trực tiếp vào bảng để điều khiển bài giảng một cách sinh động và hấp dẫn, viết, vẽ, phóng to, thu nhỏ, kéo thả các đối tượng, đánh dấu các điểm cần chú ý... trực tiếp lên bảng để minh họa cho một ý nào đó trong bài để thu hút sự chú ý của người học. Tất cả những ghi chép và hình vẽ trên bảng đều được lưu lại trong máy tính để sau buổi học, giáo viên có thể in ra và phát cho học viên đem về nhà ôn lại hoặc gởi qua email, tải lên website, copy và dán vào các ứng dụng khác... Một ưu điểm nổi bật nữa của ISB là rất nhỏ gọn nên có thể đem đi bất cứ đâu và với bất cứ mặt phẳng nào cũng có thể tạo bảng được. Nhờ chi phí rẻ và sự tiện lợi này mà mỗi giáo viên có thể tự trang bị cho mình một bảng điện tử ảo thông minh và đem theo sử dụng mọi lúc mọi nơi.
|